Công điện về việc chủ động ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 2

Wed, 03/08/2016


Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN TKV) vừa có công điện gửi các công ty, đơn vị trực thuộc về việc chủ động ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 2 (bão Nida).


Ảnh: Internet

Theo tin dự báo từ Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, vào hồi 08 giờ ngày 01/8/2016, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 118,9 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông khoảng 560 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 11 (105-120km), giật cấp 13-14. Đến 07 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão ở vùng ven biển Ma Cao - Hồng Kông. Đến 07 giờ ngày 03/8, vị trí tâm bão ở trên đất liền tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Do ảnh hưởng của bão từ chiều tối 02/8, khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ gió giật mạnh cấp 8-9, biển động mạnh. Khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7. Bão số 2 di chuyển và tăng cấp rất nhanh. Từ đêm 02/8, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, riêng khu Đông Bắc có nơi mưa to đến rất to.

Để chủ động ứng phó với ảnh hưởng của bão, Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN TKV yêu cầu các đơn vị:

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão và các vùng có mưa lớn do ảnh hưởng của bão.

2. Kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển; thông báo cho chủ các tàu thuyền, phương tiện về hướng đi và diễn biến của cơn bão để chủ động di chuyển kịp thời về vị trí tránh trú bão bảo đảm an toàn.

3. Triển khai nghiêm túc phương án phòng chống mưa bão của đơn vị: Kiểm tra các tầng bãi thải, khai trường, đê đập chắn đất đá, hệ thống thoát nước; kịp thời củng cố để đảm bảo an toàn, ngăn ngừa nguy cơ sạt lở, bồi lấp, ngập lụt khi có mưa. Đặc biệt lưu ý bãi thải các mỏ than Na Dương, Khánh Hoà của TCT Công nghiệp mỏ Việt Bắc; bãi thải của các mỏ thuộc TCT Khoáng sản; bãi thải Chính Bắc - Núi Béo, Đông Cao Sơn - Cọc Sáu, Ngã Hai - Quang Hanh; bãi thải khu vực Lép Mỹ. Kiểm tra, gia cố các đập chắn (Giáp Khẩu, Nam Lộ Phong, Ngã Hai, số 1 khu 9.8, số 2 khu H10, số 4 khu Vũ Môn). Kiểm tra bề mặt địa hình phía trên các khu vực khai thác hầm lò, san lấp các khu vực tụ thuỷ, sụt lún, khe nứt ngăn ngừa nguy cơ bục nước. Kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước các mỏ hầm lò, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng phát điện khi mất điện lưới. Tăng cường phủ bạt, củng cố đê bao bảo vệ các kho than; di chuyển người, thiết bị, tài sản lên vị trí an toàn; kiểm tra, giằng néo, chống tốc mái các công trình xây dựng, các công trình có chiều cao lớn, lập biện pháp đảm bảo an toàn cho thiết bị, tài sản. Cảnh báo đến tất cả cán bộ công nhân viên, các phương tiện của đơn vị và nhân dân không được đi qua các đường tràn, đập tràn, đường qua suối khi mưa to sẽ xảy ra nguy cơ lũ. Cử người canh gác tại các đập tràn, đường tràn do đơn vị quản lý. Bố trí nhân lực, thiết bị thường trực tại các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở đất để xử lý kịp thời.

4. Liên hệ, phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan kiểm tra, thống nhất phương án sẵn sàng di chuyển dân cư các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng, dân cư tại các nhà chung cư do đơn vị quản lý đã xuống cấp (cấp D) đến nơi an toàn.

5. Giữ liên lạc thông suốt, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo trong thời gian bão đổ bộ và mưa lớn do ảnh hưởng của bão về Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN TKV.




Bài viết khác




  • Than Nam Mẫu gặp mặt tri ân CBCNV là thương binh và con liệt sĩ

    Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 (1947-2016) Công ty Than Nam Mẫu đã gặp mặt, tặng quà động viên CBCNV là thương binh và con liệt sĩ hiện đang công tác tại các đơn vị trong Công ty. Dự gặp mặt có đông đủ các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, Giám đốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên và Hội CCB Công ty.



Tin tức - Sự kiện