Đại dịch COVID-19: Nên làm gì, không nên làm gì?

Mon, 16/03/2020



CDC Mỹ khuyên mọi người bình tĩnh, chủ động; sốt cao, ho, khó thở tìm đến bác sĩ ngay; không tiếp xúc động vật; không trữ thực phẩm...

Ngày 11/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. WHO nhấn mạnh việc tuyên bố COVID-19 là đại dịch không tạo ra sự thay đổi trong cách tổ chức này và cách các quốc gia hành động để đối phó với dịch COVID-19.

Bình tĩnh, chủ động

WHO chưa có khuyến cáo mới dành cho người dân. Do đó, người dân có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương tự như khuyến cáo đối với đại dịch cúm mùa vì cách thức lây lan của hai đại dịch có điểm tương tự nhau, theo báo USA Today.

Các biện pháp này cũng tương tự như khuyến cáo của WHO về giảm nguy cơ lây nhiễm và khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vẫn được áp dụng từ lúc bắt đầu có dịch COVID-19. 

Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng hoặc bằng dung dịch rửa tay có chứa cồn trong ít nhất 20 giây, đặc biệt sau khi đến nơi đông người và sau khi ho hoặc hắt hơi. Không nên đưa tay lên mắt, mũi, miệng, đặc biệt là tay chưa được rửa sạch.

Khi ho hoặc hắt hơi, mỗi người nên tự giác che mặt lại bằng khăn giấy hoặc bằng mặt trong của ống tay áo. Sau khi ho hoặc hắt hơi, cần ngay lập tức rửa sạch tay theo hướng dẫn. Khăn giấy sau khi sử dụng phải bỏ vào thùng rác.

Người dân, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như người cao tuổi, người có bệnh lý nền về phổi, tim mạch và tiểu đường, nên tránh tiếp xúc với người bệnh, tránh tụ tập nơi đông người và giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.

Hãy ở nhà nếu bạn bị ốm và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Nên sát khuẩn hàng ngày các bề mặt thường xuyên tiếp xúc như bàn, ghế, tay nắm cửa, công tắc đèn, bàn ăn, điện thoại, bàn phím máy tính, nhà vệ sinh, vòi nước, bàn trang điểm…

Sốt cao, ho, khó thở phải tìm đến bác sĩ ngay

CDC khuyến cáo người dân chỉ nên đeo khẩu trang khi bị ốm như sốt nhẹ và ho. Người bệnh cần đeo khẩu trang khi đến tiếp xúc với người khác, khi sử dụng các phương tiện giao thông và khi đi khám bệnh. Những người tiếp xúc với người ốm cũng nên đeo khẩu trang.

Vì nguồn cung khẩu trang có thể khan hiếm, CDC khuyến cáo người dân chỉ đeo khẩu trang khi cần thiết để có đủ khẩu trang cho những người thật sự cần, nhất là đội ngũ nhân viên y tế.

Nếu có các triệu chứng sốt cao, ho và khó thở, người dân cần nhanh chóng yêu cầu hỗ trợ về y tế. Tuy nhiên, hãy gọi điện thoại trước cho các cơ sở y tế hoặc bác sĩ để có được hướng dẫn cụ thể.

Không tiếp xúc động vật 

WHO cũng kêu gọi mọi người nên cập nhật thông tin từ tổ chức này, cũng như thông tin chính thống từ các chính phủ và chính quyền địa phương.

Trước đó, WHO đã khuyến cáo người dân không nên tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc vật nuôi trong trang trại vì chúng có thể là nguồn trung gian lây bệnh. Đồng thời, mỗi người cần thực hiện ăn chín, uống sôi.

Từ kinh nhiệm của việc xử lý dịch cúm mùa, WHO coi trọng vai trò của các biện pháp phòng dịch trong cộng đồng, đồng thời nhấn mạnh việc tự bảo vệ bản thân và chủ động phòng ngừa là "có ích" để đối phó với dịch COVID-19.

Cung cấp thông tin chính xác cho nhà chức trách

WHO cũng khuyến khích người dân tham gia vào các nỗ lực phòng chống dịch của cộng đồng bằng cách cung cấp thông tin chính xác về dịch bệnh ở địa phương, trong nước và trên thế giới. Cần đặc biệt lưu ý đến chia sẻ thông tin trên mạng xã hội và thông tin từ những người có tầm ảnh hưởng vì đây là các nguồn tin dễ dàng tiếp cận và ảnh hưởng đến cộng đồng.

Theo USA Today, nếu nghi ngờ hoặc phát hiện mình bị bệnh và bắt buộc phải cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, người dân nên chuẩn bị một số sản phẩm cần thiết như thực phẩm, nước uống, vật dụng cá nhân hằng ngày và có thể chuẩn bị sách, báo hoặc trò chơi cho quá trình cách ly.

Không trữ thực phẩm

Các thực phẩm tươi thường có hạn sử dụng ngắn nên người dân cần cân nhắc mua vừa đủ, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm khô và thực phẩm đông lạnh có thể là lựa chọn thay thế.

Nếu không bắt buộc phải cách ly trong 14 ngày, người dân không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Đến sáng 12-3, toàn thế giới đã có hơn 122.900 người nhiễm COVID-19, có gần 4.600 người tử vong và hơn 67.100 người đã được chữa khỏi, theo báo South China Morning Post.

Nhờ áp dụng nhiều biện pháp chủ động và nghiêm ngặt, số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đã giảm mạnh, chỉ còn 15 ca nhiễm mới trong ngày 11-3. Ý và Iran là hai ổ dịch mới với diễn biến phức tạp. Số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc cũng đang có dấu hiệu giảm so với thời điểm đầu tháng 3. 

Theo (USA Today)




Bài viết khác






Phòng chống đại dịch Covid-19