Quảng Ninh tiếp tục thực hiện cách ly các hoạt động trong xã hội đến hết ngày 3/5

Thu, 23/04/2020



Ngày 22/4, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công điện số 07/CĐ-UBND về việc Tiếp tục duy trì các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công điện nêu rõ: Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước về phòng, chống dịch COVID-19; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; thông báo số 158/TB-VPCP ngày 16/4/2020 của Văn phòng Chính phủ “Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19” và chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo cấp tỉnh phòng chống dịch ngày 20/4/2020, thời gian tiếp theo Quảng Ninh được Chính phủ xác định là tỉnh nằm trong nhóm địa phương có nguy cơ thấp lây nhiễm dịch bệnh; tuy nhiên Quảng Ninh là tỉnh có biên giới trên bộ, trên biển giáp Trung quốc và hệ thống giao thông đến Quảng ninh bằng các phương tiện đường bộ, đường biển và hàng không; do vậy vẫn còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch, với mục tiêu kiên định giữ vững những kết quả đã đạt được giai đoạn đã qua và bảo vệ tuyệt đối an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời duy trì, ổn định xã hội, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế để phát triển sản xuất, kinh doanh trong môi trường an toàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh điện, yêu cầu:

I. Các biện pháp chung áp dụng trong toàn tỉnh

1. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công điện khẩn số 06/CĐK-UBND ngày 15/4/2020 về việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn phức tạp, cao điểm; không được chủ quan, buông lỏng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch; tiếp tục thực cách ly các hoạt động trong xã hội trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 03/5/2020. Xác định công tác phòng chống dịch COVID-19 có thể kéo dài, vì vậy các cấp, các ngành, các địa phương cần phải tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt như thời gian vừa qua, đồng thời từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế, ổn định xã hội một cách thận trọng, tiếp tục giữ vững ổn định đời sống nhân dân trong thời gian phòng chống dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan chỉ đạo, giám sát các đơn vị tiếp tục thực hiện các nội dung giãn cách, cách ly xã hội; tiếp tục giữ vững địa bàn an toàn, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân; kiên quyết duy trì các biện pháp ngăn chặn kịp thời các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài, đồng thời kiểm soát toàn diện tình hình ngay từ cơ sở tổ dân, khu phố, thôn bản, không để nảy sinh yếu tố bị động, bất ngờ; Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ phường xã đến huyện, thị, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm về kiểm soát thực hiện ở đơn vị, địa phương mình.
Tiếp tục duy trì, củng cố hoạt động tại các chốt kiểm soát liên ngành tại các vị trí ra, vào tỉnh, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn lối mở ngăn chặn người qua lại biên giới trái phép và các tuyến cập cảng, bến từ đường biển vào đất liền.

Dừng hoạt động của các chốt kiểm soát giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các chốt thuộc địa bàn cấp xã, phường trong huyện, thị xã, thành phố.

Thực hiện cách ly có thu phí đối với tất cả những người đến từ/đi qua vùng dịch đến tỉnh Quảng Ninh, người rời tỉnh Quảng Ninh đến các vùng dịch trở về trong khoảng thời gian đến hết 03/5/2020 (trừ các trường hợp được phép theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn số 2601/KGVX-VPCP ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ).

3. Các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động mọi người dân hạn chế ra khỏi nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết. Yêu cầu mọi người khi ra khỏi nhà phải thực hiện nghiêm các quy trình phòng chống dịch như đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; giữ khoảng cách khi tiếp xúc, không tập trung đông người.

4. Tiếp tục dừng tất cả các hoạt động vận tải hành khách công cộng liên tỉnh từ Quảng Ninh đi các địa phương khác và ngược lại.

5. Tạm dừng tổ chức các nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tập trung đông người; các hoạt động lễ hội, văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao tập trung đông người tại nơi công cộng; các khu di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, dịch vụ (như du lịch, karaoke, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, nhà hát…). Thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc hiếu, việc hỉ, không tổ chức tập trung đông người. Tạm dừng hoạt động đón khách tham quan, du lịch tại các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 03/5/2020.

Hoạt động luyện tập thể dục, thể thao cá nhân của người dân hoặc tại các trung tâm, cơ sở luyện tập thể dục thể thao được hoạt động trở lại, nhưng phải giữ khoảng cách và phải đeo khẩu trang nơi công cộng;  sân Golf được tiếp tục hoạt động trở lại nhưng chỉ phục vụ khách nội tỉnh.

6. Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng, giải phóng mặt bằng; cơ sở sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cơ sở giáo dục, đào tạo; ngân hàng, kho bạc, chứng khoán; các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như trung gian thanh toán, công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...); các cơ sở dịch vụ thông tin truyền thông, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát được tiếp tục hoạt động.

Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, kiểm tra thân nhiệt, giữ khoảng cách, ghi chép thông tin người ra vào (họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số điện thoại liên hệ); thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm. 
Đối với hoạt động kinh doanh xổ số thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Tài chính nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch theo quy định.

7. Từ ngày 23/4/2020, các cơ quan, đơn vị nhà nước thực hiện yêu cầu cán bộ, nhân viên làm việc đầy đủ tại trụ sở để xử lý công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc quản lý nhân viên và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tuyệt đối không để xuất hiện, lây lan dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị mình.

8. Tăng cường năng lực xét nghiệm và tập trung xét nghiệm tại các khu vực, các địa bàn hoặc nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao. Kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch khi phát sinh. Tiếp tục tổ chức tốt việc thực hiện cách ly tập trung; cải thiện điều kiện sinh hoạt, không để lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly tập trung. Bảo đảm hoạt động phòng bệnh, khám bệnh chữa bệnh cho nhân dân. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, quản lý sức khỏe, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa và khám chữa bệnh tại nhà. Quan tâm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đối với đội ngũ cán bộ y tế, người tham gia phòng chống dịch. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, sẵn sàng cho mọi tình huống diễn biến dịch.

9. Các địa phương tiếp tục duy trì, phát huy vai trò của các tổ tự quản phòng chống dịch tại các tổ dân, thôn, khu phố nhằm kiểm soát toàn diện những di biến động về nhân khẩu đi, đến tại từng gia đình trong tổ dân phố.

II. Các biện pháp áp dụng đối với từng nhóm nguy cơ

Các địa phương trong tỉnh chia làm 2 nhóm là: nhóm có nguy cơ (gồm các địa phương: thành phố Hạ Long,  Quảng Yên, Móng Cái, Cẩm Phả, Đông Triều, Uông Bí) và nhóm nguy cơ thấp gồm các địa phương còn lại.

1. Đối với nhóm những địa phương có nguy cơ:

a) Thực hiện việc hạn chế người dân ra khỏi nhà, khi ra ngoài thực hiện các biện pháp yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định;

b) Hạn chế hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.

c) Các cửa hàng ăn, uống được phép hoạt động nhưng phải kiểm soát chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch, phải xây dựng quy trình cửa hàng an toàn, không được tiếp quá 15 người trong cùng không gian tại một thời điểm. Đồng thời thực hiện nghiêm việc giãn cách khi tiếp xúc.

d) Các cửa hàng, cửa hiệu được phép hoạt động, nhưng phải thực hiện tốt quy trình giãn cách khi tiếp xúc mua, bán hàng, thanh toán.

Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các biện pháp phòng chống dịch của cơ sở do mình quản lý.

2. Đối với nhóm những địa phương nguy cơ thấp:

a) Khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết; khi ra ngoài thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định;

b) Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; Chủ cửa hàng chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch của cơ sở do mình quản lý.

III. Phân công nhiệm vụ

1. Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, các cơ sở y tế nâng cao năng lực xét nghiệm. Tăng cường lấy mẫu những bệnh nhân có các triệu chứng của cảm cúm; người lao động tự do; người yếu thế; công nhân ở các khu nhà trọ làm xét nghiệm và yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở khu vực này.

- Chỉ đạo tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong các cơ sở y tế trên toàn tỉnh.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong việc theo dõi, giám sát ca bệnh triệt để thông qua truy vết và cách ly các trường hợp tiếp xúc vòng 1, tiếp xúc vòng; chỉ đạo các hiệu thuốc tăng cường giám sát các bệnh về đường hô hấp và bệnh giống cúm thông qua những người mua thuốc để kịp thời báo cho cơ quan y tế có biện pháp sàng lọc, phát hiện, xử lý kịp thời.

- Tiếp tục triển khai thực hiện việc khám bệnh phát thuốc tại nhà cho người cao tuổi.

- Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đối với đội ngũ cán bộ y tế, người tham gia phòng chống dịch.

- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, sẵn sàng cho mọi tình huống diễn biến dịch.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng, hoàn thiện Bộ Tiêu chí đánh giá nguy cơ của địa phương, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt trước ngày 30/4/2020.

- Chủ trì xây dựng các quy định về an toàn phòng chống dịch về nhà hàng an toàn, cửa hàng an toàn, trường học an toàn, đơn vị an toàn để cung cấp cho các địa phương, đơn vị để tuyên truyền sâu rộng trong các đơn vị và người dân biết.

2. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm triển khai hoạt động vận tải công cộng trong tỉnh đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch theo quy định, đảm bảo an toàn cho hành khách.

3. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh tập trung rà soát công tác khử trùng, vệ sinh trường, lớp để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh, học viên, sinh viên học tập tại trường; khi học sinh, giáo viên đến trường phải dạy ngay quy trình, quy định phòng chống dịch trong các trường, các lớp, những trường hợp vi phạm xử phạt nghiêm minh và thông báo công khai cho phụ huynh học sinh biết; xây dựng kế hoạch đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục năm học 2019- 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh.

4. Để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động lựa chọn các hình thức phù hợp để thông tin, tuyên truyền và phổ biến cho người lao động về các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh trong phòng, chống dịch COVID-19 đó là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nếu người lao động ra khỏi tỉnh Quảng Ninh đi qua, đi đến vùng có dịch và quay trở lại địa bàn tỉnh thì sẽ thực hiện cách ly tập trung 14 ngày (do người lao động tự trả phí) theo quy định để đảm bảo an toàn.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

5. Giám đốc Sở Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp, đơn vị phân phối trên địa bàn chủ động ký kết các hợp đồng với các nhà cung ứng để có phương án bảo đảm ổn định nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân; điều tiết, tăng lượng cung ứng nguồn hàng khi cần thiết, bình ổn thị trường trong mọi tình huống; thiết lập chuỗi các cửa hàng bình ổn giá trên địa bàn đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận thuận lợi với các nhu yếu phẩm; triển khai các giải pháp hỗ trợ, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sản xuất trên địa bàn để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp.

6. Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho người dân; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về phòng chống dịch, các vụ việc đưa thông tin sai lệch, vụ việc gây rối trật tự công cộng, đua xe, chống người thi hành công vụ…

7. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thông tin đến người dân trong và ngoài tỉnh biết, thực hiện nghiêm Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của Ủy ban nhân dân tỉnh; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền ủng hộ chủ trương bảo vệ sức khỏe nhân dân.

8. Giám đốc Sở Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương hướng dẫn các khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh triển khai công tác tiêu độc, khử trùng; nâng cấp cơ sở vật chất, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ lao động để từng bước chuẩn bị sẵn sàng hoạt động trở lại sau dịp lễ 30/4 và 01/5 (theo thông báo cụ thể của cơ quan có thẩm quyền).

9. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, Chủ tịch UBND các địa phương: Móng Cái, Bình Liêu, Hải Hà tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt quản lý toàn tuyến biên giới, tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp xuất nhập cảnh không được kiểm soát theo quy định; công tác phòng chống buôn lậu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt thông tin từ cộng đồng dân cư để kiểm soát được các trường hợp người trở về, hoặc có tiếp xúc gần với các trường hợp từ các vùng có dịch; đồng thời triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, logistics.

10. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thực hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế nguy cơ lây nhiễm đồng thời dần hình thành thói quen hạn chế tiêu dùng tiền mặt trong thanh toán trên địa bàn tỉnh.

11. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương trong tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn; Quyết định và công bố công khai việc tạm đình chỉ hoặc cho phép hoạt động đối với các loại hình cơ sở kinh doanh, dịch vụ và Chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ các dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu ngừng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nếu cơ sở không đảm bảo phòng chống dịch; tập trung xử lý triệt để các nguy cơ lây nhiễm phát sinh;

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về các nội dung phòng chống dịch./.

Theo Báo Quảng Ninh




Bài viết khác






Phòng chống đại dịch Covid-19